Kiều Nhu là một người điển hình cho việc sử dụng cơ bắp nhiều hơn việc sử dụng vết nhăn của não bộ. Cha mẹ của Kiều Nhu bảo, họ muốn đặt cho đứa con của mình tên là Kiều Nhu vì “Kiều” trong kiều diễm, còn “Nhu” là nhu mì, ôn nhu. Tiếc thay đứa con gái út của họ lại chẳng được như cái tên mà họ kỳ vọng vào.
Khác với cái tên của mình, đầu làng, cuối ngõ không một chỗ nào mà thiếu đi dấu tích phá phách của cô. Mẹ Kiều Nhu từng lắc đầu, chán nản cảm thán nói với người hàng xóm bên cạnh rằng: “Kiều Nhu nhà tôi giá mà bằng được một phần mười của Giai Triết nhà chị.”
Mẹ Giai Triết nhìn hai đứa nhỏ nghịch ngợm lăn lộn trong khu vui chơi, bà vui vẻ đáp: “Đừng lo, con bé của chị sau này nhất định sẽ làm nên việc lớn. Nhìn kìa, Giai Triết nhà tôi bằng tuổi con bé nhà chị, sớm đã bị khí thế của Kiều Nhu đè ép, gọi tiếng ‘chị’ ngọt xớt đấy!”
Hai bà mẹ cười “hi ha” thảo luận, rất tận hưởng cuộc nói chuyện về tương lai của hai đứa nhỏ nhà mình. Họ thích chí ngắm nhìn cảnh vui đùa của đứa bé gái tên Kiều Nhu kia đang ra sức véo má, véo lệch cả mặt bé trai Giai Triết. Khung cảnh thật khiến người ta cảm động, đúng là tình bạn “thắm thiết.”
Buồn cười ở chỗ, dù hung dữ đáng sợ tiếng tăm lẫy lừng bay xa như thế nhưng bên cạnh cô luôn có một bóng dáng nhỏ bé, tính cách ngoan ngoãn một lòng một dạ lẽo đẽo theo đuôi cô, tên Giai Triết.
“Nhu à! Mai sau hai gia đình chúng ta kết thông gia, cháu thấy thế nào?” Mẹ Giai Triết bất ngờ hỏi Kiều Nhu.
Bấy giờ Kiều Nhu chín tuổi đang được Giai Triết dạy học nghe xong liền lập tức đặt bút xuống, ngồi phắt dậy, cật lực lắc đầu nguây nguẩy, giọng điệu cực kỳ giống bà cụ non: “Cô Tuyết, cháu xin cảm ơn cô nhưng cháu sẽ không lấy Giai Triết đâu.”
“Cháu không thích lấy chồng gần, sau này lấy chồng phải xa một chút. Như thế mới có cảm giác được đi chơi xa.”
“Cháu mà lấy chồng gần, nhất định là con chó.” Kiều Nhu chống nạnh, mặt mày hùng hổ tuyên bố. Nói xong đứa nhỏ chín tuổi còn tự vỗ ngực, khen mình thông minh vô đối.
Hai bà mẹ nghe xong chỉ biết nhìn nhau mà nén cười, đồng thời không hẹn cùng suy nghĩ.
Trẻ con có khác, tư duy đúng đáng yêu thật!
…
Ai biết được vào mười mấy năm sau, Kiều Nhu và Giai Triết xui rủi thế nào lại đứng trong cùng một lễ đường. Kiều Nhu chứng kiến Giai Triết đeo nhẫn vào ngón tay áp út của mình, bỗng nhiên nhớ lại lời nói thơ dại năm xưa.
Kiều Nhu thật muốn tự vả vào miệng mình mấy cái cho bõ ghét.
Đúng là chó mà!
Bình luận
0/500
0 bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho Truyện này nhé!
Có thể bạn thích